Đóng

Phòng bệnh tim mạch với #COVID-19

#COVID-19 không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới hệ hô hấp mà còn gây rối loạn chức năng tim mạch. Nhiều nghiên cứu cho thấy người bệnh nhiễm COVID-19 bị tổn thương tim mạch nghiêm trọng, thậm chí là tử vong do có tiền sử mắc bệnh tim mạch.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tỷ lệ tử vong do #COVID-19 ở người bệnh tim mạch chiếm hơn 10%, tiếp đến là đái tháo đường lớn hơn 7%. Số còn lại đứng đầu trong danh sách là người mắc bệnh hô hấp mãn tính, còn ở người bình thường là 0,9%. Điều đó cho thấy nguy cơ tử vong do COVID-19 ở người bệnh tim mạch là cao nhất và cao gấp 10 lần người bình thường.

Nguyên nhân là do khi virus SARS-CoV-2 xâm nhập vào cơ thể gây ra phản ứng viêm nghiêm trọng ở mạch máu và cơ tim dẫn tới cơn đau tim, rối loạn nhịp, suy tim cấp… khiến cơ thể càng thêm mệt mỏi, khó khăn hơn trong việc thở, thậm chí là không đủ sức chống chọi với dịch bệnh. Nếu bị nhiễm #COVID-19 tiến triển bệnh sẽ nặng hơn, quá trình hồi phục cũng khó khăn so với người bình thường.

Hầu hết các yếu tố nguy cơ bệnh tim mạch có thể được kiểm soát. Một vài lời khuyên giúp bạn kiểm soát tốt hơn các yếu tố nguy cơ và bảo vệ trái tim bạn luôn khỏe mạnh:

(1) Kiểm tra sức khỏe định kỳ ít nhất một năm một lần để nắm rõ tình trạng sức khoẻ của bản thân. Bên cạnh đó, giúp bạn phát hiện sớm các bệnh lý phổ biến trong cuộc sống hiện đại như: tăng huyết áp, đái tháo đường, tăng cholesterol nguyên nhân gây nguy cơ bệnh tim mạch.

(2) Tạo thói quen 30 phút mỗi ngày cho hoạt động thể chất và luyện tập thể dục thể thao. Đó cũng là một cách tuyệt vời để giảm stress và kiểm soát cân nặng của bạn, cả hai yếu tố đều gây nguy cơ cho bệnh tim mạch;

(3) Ngừng hút thuốc nguy cơ mắc bệnh tim mạch sẽ được giảm một nửa trong vòng một năm và sẽ trở lại mức bình thường theo thời gian;

(4) Duy trì lối sống và ăn uống lành mạnh, tăng cường rau xanh, hạn chế muối, chất béo, bột đường và bia rượu.

(5) Kiểm soát tốt cân nặng một cách dễ dàng là theo dõi chỉ số BMI. Chỉ số BMI lý tưởng ở một người trưởng thành khỏe mạnh nên giữ trong khoảng 18.5 – 24.9.

(6) Nhận biết sớm những dấu hiệu cảnh báo về bệnh tim mạch: Cảm giác nặng trong ngực hoặc tức ngực; Ngưng thở, khó thở khi ngủ; Hiện tượng phù, sưng đau chân và bàn chân; Chán ăn, cơ thể mệt mỏi, kiệt sức, lo lắng, căng thẳng; Ho dai dẳng hoặc khò khè; Đi tiểu ban đêm. Nhịp tim không đều, loạn nhịp.

(7) Thường xuyên cập nhật thông tin về các thành tựu và tiến bộ của y học từ những nguồn đáng tin cậy sẽ giúp bạn có thêm kiến thức mới trong việc chăm sóc sức khỏe bản thân và gia đình bạn.

 

Bệnh viện An Sinh